Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
141 lượt xem

Vỡ mộng nhanh "đổi đời" khi lao vào sốt đất ảo: Cần tránh “ôm” rủi ro trước các thông tin chưa xác thực.

Các chuyên gia cho rằng dòng tiền vẫn chảy mạnh vào lĩnh vực BĐS năm nay, nhưng nhà đầu tư cần cảnh giác tránh “ôm” rủi ro trước các thông tin chưa xác thực.

Đủ chiêu “kích” bán hàng, “thổi” giá đất

Giới đầu tư bất động sản vào đầu tháng 2 vừa qua thảo luận sôi nổi về một clip lan truyền trên mạng xã hội. Nội dung mô tả cảnh các môi giới chạy qua lại để “chốt” đơn đất nền như đi…mua cá ngoài chợ trong nền nhạc inh ỏi.

Người nhìn thoáng qua tưởng rằng đất đai sau Tết lại nóng sốt, nhưng giới đầu tư thì lắc đầu ngao ngán, với nhận định chung rằng đây là chiêu trò dàn dựng, gây sốt ảo. Thông tin sau đó được lãnh đạo địa phương xác nhận rằng: khu đất này không phải là dự án bất động sản, mà cũng thuộc dạng mua đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền.

Đây không phải là lần đầu tiên mà rộ lên các hình thức gây nhiễu thị trường và tạo sự thu hút người xem bằng những thông tin gây hiểu nhầm. Hồi tháng 12 năm ngoái, thị trường cũng rộ thông tin nhóm người tiến hành đào đường chôn cọc, rồi “rỉ tai” nhau rằng đi cắm mốc tọa độ cho dự án.

Những hình ảnh “đào đường, chôn cọc” sau đó cũng được chia sẻ trên mạng với tốc độ chóng mặt, đi kèm theo đó là giá rao bán đất cũng tăng gấp mấy lần, nhưng rồi cũng nhanh chóng bị phanh phui rằng đều là giả mạo.

Đủ chiêu trò “kích” bán hàng, “thổi” giá đất làm nhiễu loạn thị trường.

Sử dụng các thông tin sai lệch để tạo độ hot, thu hút mối quan tâm thị trường là cách thức mà các “lái đất” kích hoạt dòng tiền đầu cơ ham rẻ, mong lời nhanh. Giá đất nền không rõ tính pháp lý chỉ từ vài trăm triệu đồng có thể tăng giá lên cả tỉ, khiến ai nghe cũng thấy ham.

“Thực tế có rất nhiều nhà đầu tư tâm lý không vững vàng đã bị lừa ngay tại chỗ. Tuy nhiên, sau đó rất khó bán lại vì không có ai mua, lại khó thăm đất mình mua vì quá xa. Giá đất cao sau đó chẳng qua là do các môi giới “thổi” với nhau chứ thanh khoản thị trường rất thấp, thậm chí là không có”, Đỗ Ngọc Dũng, một môi giới kỳ cựu tại TP. Thủ Đức cho hay.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, thực trạng sốt đất phổ biến và tình trạng tung thông tin ảo diễn ra phổ biến một phần còn đến từ sự thiếu hiểu biết của người dân trong lĩnh vực đất đai. Nhiều thông tin chưa chính thức, giả mạo giấy tờ, quy hoạch được tung ra nhưng không kiểm tra lại, giá đã thổi ngay vì dân ùn ùn kéo đi mua đất.

Cũng thời điểm ra Tết năm ngoái, tình trạng tăng giá đất ảo đã diễn ra trên khắp cả nước. Cụm từ “sốt đất”, “sốt ảo” xuất hiện khắp mọi nơi với nhiều chiêu trò, dự kiến sẽ còn trở lại trong năm nay. Tuy nhiên, quan sát thị trường ở góc độ tích cực hơn, cũng có chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất thì sẽ có thêm bài học, có thêm sự hiểu biết về thị trường.

Mặt khác, tương lai thị trường cũng sẽ trở nên minh bạch hơn, khó lợi dụng yếu tố quy hoạch để tạo sốt ảo. Thực tế cho thấy các chính sách liên quan đến đầu tư bất động sản hiện cũng đang dần được cải thiện theo hướng minh bạch hóa.

Chẳng hạn, trước tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp, nhiều lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo tạm dừng toàn bộ việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến tách thửa đất, nhưng thực chất là biến tướng thành dự án.

Điều này phần nào khiến các sản phẩm minh bạch, dự án uy tín được hưởng lợi do nhà đầu tư điều chỉnh dòng tiền. Báo cáo của Bộ xây dựng năm 2021 cho thấy giá bất động sản ở nhiều loại hình đều tăng. Chẳng hạn như giá căn hộ chung cư tăng bình quân khoảng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, hay giá đất nền tăng 20-30%.

Trong năm nay, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản vẫn tiếp tục hút dòng tiền nhờ yếu tố về mặt bằng lãi suất thấp, đồng thời nhờ việc tăng cường đẩy mạnh đầu tư công, hạ tầng, nằm trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, dòng tiền vẫn sẽ chảy vào lĩnh vực bất động sản trong năm nay. Thị trường theo đó sẽ điều chỉnh lại và ổn định trong 6 tháng cuối năm khi hấp thụ các chính sách.

“Đầu tiên là chính sách tín dụng, tiếp đó là chính sách về thủ tục pháp lý sẽ đưa dòng tiền vào những sản phẩm bất động sản thật, tránh những sản phẩm từ các cơn sốt ảo”, chuyên gia Trần Khánh Quang đưa ra đánh giá hồi đầu năm.

Riêng tại thị trường TP.HCM, theo báo cáo của DKRA, trong năm ngoái khan hiếm nguồn cung cũng như tỷ lệ tiêu thụ chỉ khoảng 15% so với năm trước đó. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn còn chờ đợi những dự án tốt và tiềm năng. “Những dự án quy mô lớn, được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín với mức giá bán phù hợp và nhiều chính sách, ưu đãi vẫn là tâm điểm thu hút sự quan tâm của khách hàng”, báo cáo của DKRA nhận định.

Bài viết cùng chủ đề: