Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
124 lượt xem

Dân quê tôi chạy đua buôn đất vì sợ mất cơ hội "đổi đời"

Tôi ra quán nước chè cũng thấy người dân quê mình túm tụm bàn tán chuyện buôn đất đai, họ truyền tai nhau ‘kiếm tiền từ đất dễ lắm’.

Khoảng ba năm trở lại đây, người người nhà nhà đổ xô vào buôn bán đất đai. Đầu cơ bất động sản trở thành xu hướng, cuộc chạy đua mà không ai muốn “kém miếng khó chịu”. Thời gian gần đây, tôi còn thấy nhiều người bỏ cả công ăn việc làm để đi buôn đất, làm “cò đất”. Họ truyền tai, truyền miệng nhau rằng “kiếm tiền từ đất dễ lắm, vừa nhàn nhã mà ai cũng làm được, từ người bán rau ngoài chợ cho tới giáo viên, thậm chí sinh viên đang đi học cũng có thể tham gia”.

Chẳng hiểu mảnh đất đó có gì đặc biệt nhưng cứ lòng vòng mua bán qua tay hàng chục người mà ai cũng có thể kiếm lời từ chúng. “Sốt đất” khắp nơi đến mức người ta có thể mua bán bất cứ loại đất nào, thậm chí cả đất rừng, đất nông nghiệp…

Có một điều tôi cứ băn khoăn, suy nghĩ, thắc mắc mãi, đó là tại sao “sốt đất” lại lặp đi lặp lại nhiều lần theo chu kỳ như vậy? Mà lần nào cũng khiến người người, nhà nhà lao vào như thiêu thân, dù sau đó thị trường lại đóng băng. Không hiểu vì sao người ta không mua đất lúc hết sốt, giá rẻ, mà cứ nhằm lúc giá đất tăng nóng mới tranh nhau mua bán, giá nào cũng mua?

Tôi chứng kiến các đợt sốt đất thường diễn ra rất nhanh, có khi nền đất chỉ trong vòng sáu tháng đã tăng giá tới năm lần. Ấy vậy nhưng nhiều người vẫn tranh nhau mua bán. Lạ lùng là sao rất nhiều người cùng buôn đất, cùng làm cò mồi một thời điểm, nhưng ai cũng thấy tiềm năng, ai cũng lạc quan về cơ hội làm giàu của mình, cũng bảo thủ với tư tưởng “người đẻ chứ đất không đẻ nên phải đi buôn đất mới khá được”. Để rồi, sau khi cơn sốt khoảng 3-5 năm qua đi, các suy nghĩ trên biến mất một cách kỳ lạ. Nhiều người thất bại lại tự dằn vặt, oán trách bản thân.

Đất quê tôi, ở trong ngõ mà giờ cũng có giá bốn, năm tỷ đồng. Người người nhà nhà bỏ cả công ăn việc làm có thu nhập ổn định để kéo nhau đi buôn đất, làm “cò đất”. Ra quán nước chè, có năm bàn thì tới bốn bàn người ta bàn tán xôn xao về chuyện đất đai. Tôi nghe mà đau hết cả đầu. Hãi nhất là đất nông nghiệp, đất ruộng, đất ao hồ, đất rừng… cũng bị người ra đem ra mua bán, quy ra tiền.

Chuyện buôn bán đất đai rất khó đoán định được kết quả, bởi điều gì cũng có thể xảy ra. Nếu không cẩn thận, đề phòng, có tâm lý chủ quan, lơ là mất cảnh giác, hoặc coi thường, thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, quá tin tưởng vào “cò”, bạn hoàn toàn có thể “tiền mất tật mang”. Con người ta có thể sẵn sàng dùng mọi phương thức, thủ đoạn để lừa bịp gian, dối nhau. Bản thân tôi cũng đang bị lừa cọc mua đất tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội cũng vì sai lầm tương tự.

Tôi cho rằng, nguyên nhân của tình trạng “sốt đất” đến từ việc pháp luật quản lý sử dụng đất đai ở ta vẫn còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng, mâu thuẫn chồng chéo… tạo thuận lợi cho các nhóm lợi ích, cá nhân, tổ chức lợi dụng. Bản thân các cán bộ thực thi pháp luật cũng còn lúng túng, bối rối, hiểu chưa đúng, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Gốc rễ của vấn đề vẫn là Luật Đất đai phải thật rõ ràng, chi tiết, đầy đủ trách nhiệm, dễ thực hiện, dễ hiểu, công khai, minh bạch và hiệu quả. Muốn vậy, chúng ta phải đặt lợi ích hợp pháp của người dân lên trên hết.

Tình trạng “sốt đất” thực tế hiện nay rất đáng quan ngại. Vẫn biết rằng, mua bán là quyền tự do của con người, nhưng riêng việc buôn bán đất đai phải có điều kiện, được quản lý chặt chẽ. Việc để mặc cho người dân đổ xô đi buôn đất kiếm lời là dấu hiệu cực kỳ nghiêm trọng, sẽ để lại hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế, xã hội . Cá nhân tôi tha thiết đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm vào cuộc, siết chặt quản lý, kiểm soát hoạt động mua bán đất.

Dòng tiền bị chôn vùi vào đất, chỉ năm im bất động, thì sẽ trở thành mối họa cho quốc gia. Ai cũng mong chờ mua đi bán lại đất nhiều lần để kiếm lời, rồi khi vốn liếng không còn để làm ăn kinh doanh, lại phải vay nợ, trả lãi, cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ không thể tìm được lối thoát. Nếu tình trạng người người nhà nhà bỏ công ăn việc làm để đi buôn bán đất như hiện nay cứ tiếp diễn trong tương lai thì sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra đổ vỡ dây chuyền.

Bài viết cùng chủ đề: