Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
134 lượt xem

Bà nội để cháu 3 tuổi tự mặc đồ, tự xúc cơm bị dâu trách không thương, cô giáo mầm non lại tán thành

Cách nuôi dạy cháu của bà nội không được lòng con dâu, nhưng lại được nhiều cô giáo mầm non tán thành.

Mỗi người sẽ có cách nuôi dạy con khác nhau, và mỗi đứa trẻ cũng là một cá nhân riêng biệt. Thế nên sẽ thật khó để chúng ta nhận xét xem cách nuôi dạy con của người này người kia là đúng hay sai. Tuy nhiên, vẫn có những quy chuẩn chung cho việc nuôi dạy và giáo dục trẻ, và nếu đi ngược lại thì chắc chắn không ít thì nhiều cũng sẽ gây hại cho con. Chính vì thế, làm thế nào để dạy con một cách đúng đắn, khoa học nhất vẫn là điều khiến không ít phụ huynh trăn trở.

Gần đây, câu chuyện bà nội bị con dâu trách vì không “chăm cháu cẩn thận” bất ngờ được quan tâm trên mạng xã hội. Được biết, bà nội ở nhà vẫn còn mạnh khỏe, rảnh rang và cũng muốn gần các cháu nên đã đồng ý với con dâu rằng sẽ ở nhà trông cháu giúp để vợ chồng con trai đi làm.

Bà nội rất yêu thương các cháu, nhưng tính cách cũng vô cùng hiện đại, thẳng thắn, chuyện gì ra chuyện đó. Với cháu trai 3 tuổi, dù rất thương yêu nhưng bà vẫn để cháu tự tập làm mọi thứ, từ việc tự chọn quần áo, tập mặc đồ, tập xúc cơm,… tất cả đều phải tự làm. Nếu gặp khó khăn trong quá trình này, bà sẽ giúp đỡ.

Trong một lần đi làm về sớm, con dâu vô tình chứng kiến cảnh con trai 3 tuổi của mình phải tự ngồi vào bàn và xúc cơm ăn. Vì còn nhỏ nên đương nhiên cậu bé chưa thể xúc ăn một cách thuần thục mà vẫn còn vương vãi. Nhìn thấy cảnh này, một nỗi khó chịu dâng lên trong lòng cô. Con dâu đã nói thẳng với mẹ chồng rằng tại sao lại để cháu nhỏ tự ăn như thế, sau đó còn nói thêm nhiều câu với ý bóng gió rằng bà không biết chăm cháu. Mẹ chồng cũng không giải thích gì nhiều, chỉ cho biết bà muốn dạy cháu tự lập sớm mà thôi.

Vì khó chịu với cách chăm cháu của mẹ chồng, ngay hôm sau, người con dâu quyết định gửi con trai tại một trường mầm non gần ngay chỗ làm việc. Bất ngờ là con của cô khi đi học được nhiều cô giáo khen ngợi là rất ngoan. Một lần trò chuyện với giáo viên của con, vô tình người mẹ đã kể cho cô giáo chuyện mẹ chồng mình khá “lười biếng” trong việc chăm cháu, cái gì cũng để cháu tự làm. Không ngờ, giáo viên mầm non của con lại tỏ ra đồng tình với cách dạy cháu của bà nội.

Cô giáo cho biết có lẽ chính vì được bà nội rèn cho tính tự lập nên con trai cô mới ngoan như vậy. Cậu bé có thể làm nhiều thứ một mình, không mè nheo hay khóc lóc ăn vạ. Điều này không phải tự nhiên mà có, mà đó chính là những thói quen tốt được hình thành ngay từ những năm tháng đứa trẻ còn hoàn toàn chung sống với gia đình, chưa được đi học. Thực ra, dạy con trẻ tự lập là bài học vô cùng quan trọng, và bà nội không phải là làm biếng, mà bà chỉ đang muốn cháu mình được rèn luyện từ sớm, không có thói quen dựa dẫm ỷ lại vào người khác mà thôi. Và kết quả cũng rất tuyệt vời, khi đến trường, cậu bé 3 tuổi vô cùng ngoan ngoãn và được nhiều giáo viên, bạn bè yêu quý.

Nghe đến đây, người mẹ vô cùng hối hận vì đã trách lầm mẹ chồng của mình. Trước đây cô vẫn nghĩ rằng trẻ nhỏ chưa biết gì, nên mọi thứ đều cần người khác làm giúp. Quan niệm của cô trái ngược hẳn với mẹ chồng, cô luôn tìm cách cưng chiều con mọi lúc mọi nơi có thể vì nghĩ rằng suốt ngày mình đã bận rộn với công việc, không có thời gian cho con thì phải cưng chiều con hết mức. Người mẹ nếu ở nhà sẽ không để con tự làm bất cứ việc gì, con đòi hỏi thế nào cũng đồng ý, cứ tưởng như thế là tốt cho con.

Qua buổi trò chuyện với cô giáo của con, người mẹ đã nhận ra cách nuôi con của mình có nhiều “lỗ hổng”. May mắn là thời gian con trai cô được ở với bà nội cũng không ngắn nên cậu bé không bị hình thành nhiều thói quen xấu. Ngay sau đó, cô đã về nhà và xin lỗi mẹ chồng vì đẫ hiểu lầm bà. Đây thực sự là một bài học vô cùng đắt giá cho những người làm cha làm mẹ như cô.

Thực tế là dù ở thời đại nào đi chăng nữa, cưng chiều con quá mức vẫn là một “căn bệnh” khó bỏ của không ít ông bố bà mẹ. Chắc chắn con mình sinh ra thì mình phải yêu thương, cưng chiều. Nhưng cưng chiều đến độ không để con làm việc gì, cưng chiều bất kể đúng sai thì e là chỉ gây hại chứ chẳng mang lại lợi ích gì cho con.

Rất nhiều người vẫn còn tồn tại suy nghĩ rằng, con nít còn nhỏ thế, mới có 3, 4 tuổi thì tự lập được cái gì mà tập, cứ làm giúp lũ trẻ cho nhanh gọn, khỏi đổ bể. Nhưng vô tình chính suy nghĩ này lại khiến con không có cơ hội được học hỏi, trải nghiệm và chứng tỏ bản thân.Tự lập luôn là bài học bố mẹ cần dạy con từ sớm, trẻ càng được giáo dục về tính tự lập sớm, cuộc sống con không chỉ thuận lợi hơn mà tương lai cũng sẽ có nhiều rực rỡ hơn ai hết.

Không phải tự nhiên mà những chuyên gia nuôi dạy trẻ luôn khuyên bố mẹ cần cho con cơ hội được trải nghiệm và tôn trọng ý thức cá nhân của con, rèn luyện cho con tính độc lập, không dựa dẫm, ỷ lại vào bất cứ ai. Một đứa trẻ tự lập có thể nhận được nhiều lợi ích như:

Giúp trẻ mạnh mẽ hơn

Cuộc sống không phải lúc nào cũng toàn màu hồng, chắc chắn trên đường đời sẽ có những lúc con gặp phải những thất bại, khó khăn. Lúc này, nếu đã quen với sự giúp đỡ, dựa dẫm, con có thể sẽ bị gục ngã khi không còn ai ở cạnh bên.

Bố mẹ thương yêu con thế nào, muốn che chở con ra sao thì đương nhiên vẫn sẽ không thể ở bên cạnh con mãi. Đây là hiện thực cần được chấp nhận. Để chuẩn bị cho việc này, bố mẹ cần dạy con biết tự lập trong mọi việc. Khi con có thể sống tự lập, con sẽ mạnh mẽ hơn, giải quyết được vấn đề một cách tốt nhất mà chẳng cần phải cậy nhờ vào ai.

Sự mạnh mẽ vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của mỗi người. Trẻ mạnh mẽ, không yếu đuối luôn biết cách giành lấy những cơ hội trong cuộc sống. Từ đó, cuộc sống, sự nghiệp của con cũng dễ dàng đạt tới thành công hơn.

Trẻ sẽ tự tin hơn

Một lợi ích nữa khi trẻ sớm tự lập đó là trẻ sẽ tự tin hơn rất nhiều. Không ít người thắc mắc tự lập thì có liên quan gì đến tự tin, nhưng thực chất chúng có mối liên hệ mật thiết hơn nhiều so với các mẹ tưởng.

Khi con được dạy tự lập, con sẽ có nhiều trải nghiệm mới. Mỗi lần hoàn thành được một việc nào đó, chắc chắn con sẽ gia tăng được kinh nghiệm cho bản thân, càng biết được nhiều thứ, sự tự tin trong con sẽ ngày càng tăng cao.

Sự tự tin chính là chìa khóa để trẻ đạt tới thành công. Hiện nay, rất nhiều những bạn trẻ mặc dù tài năng nhưng lại e ngại, kém tự tin nên không thể phát huy hết được năng lực của mình. Chính vì thế, họ cũng không nhận được những đánh giá cao từ người khác. Đó là một điều thực sự đáng tiếc.

Đó cũng chính là lý do bố mẹ nên dạy con tự lập để con mạnh mẽ, tin tưởng vào bản thân mình và biết cách thể hiện mọi nội lực còn tiềm ẩn trong bản thân. Luôn tự tin giúp con tỏa ra một năng lượng tích cực, thu hút mọi người. Nhờ thế, những cơ hội khác trong đời sống cũng sẽ đến nhiều hơn.

Thấu hiểu được giá trị của cuộc sống

Trẻ được bố mẹ nuông chiều quá mức thường xem việc được o bế, chăm sóc là điều hiển nhiên. Chúng không thấu hiểu được về giá trị của lòng biết ơn, giá trị của sức lao động và các mối quan hệ trong cộng đồng. Chính điều này sẽ làm trẻ dễ bị mọi người xa lánh, cô lập và phải chịu cảnh đơn độc trong tương lai.

Dạy con tự lập, cho con trải nghiệm một cuộc sống tự làm chủ bản thân phần nào giúp con thêm hứng thú. Đừng ngại để trẻ nếm chịu những khó khăn hay thất bại, hãy để con tìm cách tự vượt qua (nhưng đương nhiên vẫn phải theo sát để trợ giúp con khi cần bố mẹ nhé). Bước qua được những khó khăn, thất bại, phải làm việc để phục vụ cho chính mình. Con sẽ thấm thía được những giá trị của cuộc sống và cố gắng làm mọi cách để tương lai mình trở nên tốt đẹp hơn.

Thích nghi được với những môi trường mới

Sợ con ra đời, đi xa mình sẽ bị lạ nước lạ cái chính là tâm lý chung của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, con cái đâu thể nhỏ bé mãi, và bố mẹ cũng chẳng thể giữ được con mãi bên mình. Sẽ đến lúc con “tung cánh” bay đến những nơi khác. Mỗi nơi con đi là những bài học con sẽ được trải nghiệm, và để con có được những trải nghiệm đó một cách thuận lợi nhất, phụ huynh hãy dạy cho con mình sớm tự lập.

Khi tự lập, con có thể tự tin lo cho bản thân, thậm chí còn chăm sóc được cho những người khác. Đến những môi trường mới, những đứa trẻ tự lập vì tự tin nên thường không e dè, sợ hãi. Chúng biết cách đối diện với thử thách và nhanh chóng hòa nhập, thích nghi để chung sống một cách hòa bình với mọi người, không bị xuống tinh thần hay ủ rũ thất vọng.

Nói tóm lại, để con trưởng thành và có được cuộc sống tốt, bố mẹ nên dạy con sống tự lập từ sớm. Mỗi giai đoạn, mẹ có thể dạy con tính tự lập bằng những việc làm phù hợp. Đừng tưởng 2, 3 tuổi thì con không biết làm gì, như thế là nhầm to đấy các mẹ ạ. Hãy cho con cơ hội tự quyết định những thứ liên quan đến cá nhân mình, tập cho con làm việc nhà theo độ tuổi, khuyến khích con giúp đỡ người khác, luôn giáo dục trẻ về bài học trách nhiệm và đặc biệt là đừng bao giờ làm thay con. Chỉ như thế, bố mẹ mới có thể yên tâm rằng con sẽ đứng được trên đôi chân của mình, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra đi chăng nữa.

Bài viết cùng chủ đề: